Đỉnh núi Brah Yàng (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) có độ cao khoảng 1.300 m so với mực nước biển là điều kiện lý tưởng để anh Nguyễn Thái Nam cùng 3 người bạn gần 7 năm qua sát cánh bên nhau, gây dựng thành công nông trại rộng 35 ha cà phê hữu cơ đạt chứng nhận tiêu chuẩn USDA của Mỹ.
Vượt quãng đường dốc đứng, quanh co hơn 3 km, chúng tôi đến trang trại cà phê của Công ty TNHH Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam nằm gần đỉnh núi Brah Yàng một ngày trung tuần tháng 4. Cái nắng, gió không làm cho những người làm cà phê nơi đây nản lòng. Anh Nguyễn Thái Nam, một trong 4 người chủ, vận hành trang trại cho biết, từ năm 2016, sau khi tìm tòi, học hỏi, anh cùng với những người bạn của mình đã hợp tác làm cà phê hướng hữu cơ với diện tích 35 ha, đồng thời thành lập Công ty TNHH Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam.
Về quy trình chăm sóc cho vườn, anh Nam thổ lộ, khác với quy trình truyền thống, toàn bộ thảm cỏ ở nền vườn rộng 35 ha vẫn được duy trì để giữ độ ẩm và tạo môi trường sống cho các loài thiên địch. Trường hợp cỏ quá cao, lấn át, ảnh hưởng đến sự phát triển của cà phê thì dùng máy phát, cắt phần ngọn. Anh Nam cũng cho biết thêm, anh đang tận dụng phế phụ phẩm như vỏ cà phê, cành lá các loại cây trong vườn để ủ cùng chế phẩm trichoderma và kết hợp các nguồn phân bón hữu cơ, vi sinh để bón cho cây. Trường hợp cà phê bị sâu, bệnh hại, chủ vườn sử dụng các loại chế phẩm sinh học để phòng ngừa.
“Cà phê được canh tác theo hướng đa dạng sinh học với nhiều tầng cây trồng. Bên trên là cây rừng, giữa là cà phê, tầng thấp nhất để cỏ mọc tự nhiên, cùng với đó là các sinh vật khác đang tồn tại, phát triển. Mục đích của việc này nhằm tạo bóng mát cho cà phê, chống xói mòn, giữ độ ẩm, cung cấp chất hữu cơ cho đất, cân bằng hệ sinh thái giúp cho giun đất, kiến vàng, bọ rùa, bọ ngựa, ong ký sinh, hệ vi sinh vật có lợi phát triển”, anh Nam chia sẻ..
Hiện nay, với quy trình sản xuất hữu cơ, toàn bộ cà phê trên vườn có sự phát triển tốt. Cây cứng cáp, ít bị nhiễm sâu bệnh hại. Mùa vụ năm 2022-2023, vườn cà phê 35 ha cho thu gần 100 tấn nhân xanh. Đặc biệt, vào ngày 1/3/2023, sau hàng loạt cuộc đánh giá, kiểm tra về vùng đệm, vùng cách ly, nguồn nước, nguồn đất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kim loại nặng…, mô hình cà phê của Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam được đã được cấp chứng nhận USDA của Chương trình hữu cơ quốc gia, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Đây là động lực lớn để những người làm cà phê hữu cơ như anh Nam tiếp tục nâng tầm thương hiệu, giá trị và chất lượng hạt cà phê được trồng trên vùng đất Di Linh.
Anh Trần Anh Khoa – Giám đốc Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam hồ hởi cho biết thêm: “Ở độ cao gần 1.300 m so với mực nước biển, ngoài điều kiện khí hậu thích hợp, thổ nhưỡng tương đối tốt thì cây cà phê được canh tác ở đây chất lượng không thua gì vùng cà phê Cầu Đất (Đà Lạt) hay bất cứ vùng nào của Việt Nam. Đó là vì canh tác hữu cơ nên càng cao thì chu kỳ sinh trưởng càng kéo dài, sự tích lũy dinh dưỡng trong hạt diễn ra chậm hơn, kết quả là hương vị phong phú hơn, hạt cứng chắc và nặng hơn. Hiện nay, công suất của các nhà máy này khoảng 200 tấn nhân/năm và chế biến 5 tấn cà phê thành phẩm/tháng. Chúng tôi đang bán các sản phẩm cà phê hữu cơ qua thị trường Mỹ, một số quốc gia châu Âu và các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Giá cà phê hữu cơ (nhân xanh) cao gấp 2,5 tới 3 lần so với cà phê truyền thống”.
Có mặt cùng chúng tôi thăm trang trại cà phê hữu cơ tiêu chuẩn Mỹ trên địa bàn, ông Vũ Hồng Long – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho biết, khi tiếp nhận thông tin 1 công ty làm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn USDA, thật sự ông đã “bán tín bán nghi”. Tuy nhiên, sau khi tận mắt tới khảo sát, nghe anh Nguyễn Thái Nam cùng các cộng sự chia sẻ quy trình, quá trình để đạt được kết quả trên, ông đã bị thuyết phục hoàn toàn.
“Toàn huyện có trên 45.000 ha cà phê với tổng sản lượng hàng năm khoảng 145.000 tấn và khoảng 95% cà phê của địa phương phục vụ xuất khẩu nhưng diện tích sản xuất cà phê hữu cơ đạt chứng nhận còn khá hạn chế, khiêm tốn. Mô hình cà phê hữu cơ trên núi Brah Yàng là mô hình mới, có quy mô diện tích lớn và đã đạt được tiêu chuẩn ngặt nghèo của USDA là một lợi thế rất lớn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với công ty này để có hướng nhân rộng mô hình, xây dựng điểm tham quan, phổ biến kinh nghiệm đến người dân”, ông Long cho hay..